Khách hàng Vietcombank sẽ yếu thế nếu xảy ra sự cố với tài khoản internet banking

Sau nhiều lùm xùm liên quan đến chuyện bảo mật hệ thống internet banking, Vietcombank (VCB) mới đây đã quyết định thay đổi điều khoản sử dụng ngân hàng điện tử. Những cập nhật mới về điều khoản sử dụng là phù hợp với thông lệ về bảo mật, vốn dĩ khách hàng cũng nên làm như vậy, tuy nhiên nếu thực sự có sự cố xảy ra thì dường như khách hàng sẽ luôn là người yếu thế khi yêu cầu VCB đền bù thiệt hại. Cụ thể như sau:

Tại mục 4.3, VCB yêu cầu khách hàng phải đổi mật khẩu thường xuyên khi có yêu cầu từ dịch vụ; không chọn mật khẩu có tính cá nhân, dễ suy đoán và đã sử dụng trước đây. Việc thay đổi mật khẩu thường xuyên và chọn một mật khẩu khó là việc nên làm, tuy nhiên nếu đây là một điều khoản sử dụng thì lại quá bao la, yếu tố nào xác định một mật khẩu là đủ mạnh và bao lâu thay đổi mật khẩu một lần được cho là thường xuyên? Theo khuyến cáo của các chuyên gia bảo mật, mật khẩu mạnh cần có ít nhất 10 ký tự, phức tạp và không liên quan đến các thông tin cá nhân; ngoài ra 3 tháng nên thay đổi mật khẩu một lần.

Đọc thêm: cách đặt mật khẩu mạnh

Tại mục 4.7, VCB yêu cầu khách hàng không truy cập dịch vụ từ bất cứ thiết bị nào kết nối với hệ thống máy tính cục bộ (mạng LAN) nếu không đảm bảo rằng không ai khác có thể theo dõi hay sao chép việc truy cập. Việc đảm bảo luôn truy cập vào một kết nối internet an toàn là điều nên làm, tuy nhiên để đảm bảo chắc chắn kết nối của bạn không bị ai theo dõi lại là một việc khá khó xác định. Giả sử nếu bạn dùng internet công ty (khá an toàn) để kết nối internet thì thường các admin điều khiển network sẽ có khả năng theo dõi máy tính của bạn (nếu họ muốn).  Để hạn chế việc bị tin tặc đột nhập máy tính khi truy cập internet wifi, điều bạn nên làm là sử dụng VPN cho tất cả các kết nối internet “lạ”, đặc biệt là tại quán cafe, nhà hàng, điểm công cộng.

Đọc thêm:

Wifi công cộng – rủi ro và bí kíp hóa giải

Những phần mềm VPN miễn phí mà bạn không thể bỏ qua

Mục 4.8 quy định khách hàng phải đảm bảo thiết bị đầu cuối và các thiết bị khác mà khách hàng sử dụng (trừ các thiết bị Vietcombank cung cấp) để kết nối với các dịch vụ không có và được bảo vệ chắc chắn khỏi virus và các phần mềm máy tính gây hại. Thường xuyên quét virus là một điều nên làm, tuy nhiên kể cả những sản phẩm quét virus tân tiến nhất hiện nay thì đều không thể đảm bảo quét sạch 100% virus và các phần mềm độc hại. Vậy phải chăng nếu chỉ cần có 1 con virus bất kì trong điện thoại hoặc máy tính thì VCB có thể hoàn toàn rũ bỏ mọi trách nhiệm liên quan đến bảo mật?

Và có một điều các bạn nên lưu ý, không chỉ VCB có điều khoản sử dụng dịch vụ thế này mà một số ngân hàng khác đang hoạt động ở Việt Nam như VIB, HSBC, ANZ và Standard Chartered cũng có điều khoản sử dụng tương tự. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên thực sự dành thời gian để đọc các điều khoản sử dụng dịch vụ thay vì lướt qua rồi bấm “Tôi đã đọc và đồng ý”.

 

Khách hàng phải cam kết chịu trách nhiệm cho tất cả tổn thất và chi phí do các giao dịch gian lận đã được thực hiện nếu khách hàng thiếu cẩn trọng, hoặc làm sai, không đầy đủ bất cứ nghĩa vụ bảo mật nào hoặc các yêu cầu được nêu tại Mục 4.

Admin